Các khâu Tái sản xuất xã hội

Tái sản xuất xã hội gồm các khâu sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Trong mối quan hệ giữa các khâu thì sản xuất là gốc, có vai trò quyết định và tiêu dùng là mục đích, là động lực của sản xuất còn phân phối và trao đổi là những khâu trung gian nối sản xuất với tiêu dùng, có tác động đến cả sản xuất và tiêu dùng

Sản xuất là khâu đầu tiên, trực tiếp tạo ra sản phẩm, giữ vai trò quyết định đối với các khâu khác. Theo kinh tế học Mác-Lênin thì quy mô và cơ cấu sản phẩm cũng như chất lượng và tính chất của sản phẩm do sản xuất tạo ra quyết định đến quy mô và cơ cấu tiêu dùng, quyết định chất lượng và phương thức tiêu dùng.

Phân phối và trao đổi vừa là khâu trung gian, là cầu nối sản xuất với tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với sản xuất và tiêu dùng, vừa có tính độc lập tương đối với nhau. Phân phối bao gồm phân phối cho sản xuất tức là phân chia các yếu tố sản xuất cho các ngành sản xuất, các đơn vị sản xuất khác nhau để tạo ra các sản phẩm, và phân phối cho tiêu dùng.

Trao đổi bao gồm trao đổi hoạt động thực hiện trong quá trình sản xuất và trao đổi sản phẩm xã hội. Trao đổi sản phẩm là sự tiếp tục của khâu phân phối, là sự phân phối lại yếu tố đã được phân phối.

Tiêu dùng (hay tiêu xài) là khâu cuối cùng, là điểm kết thúc của một quá trình tái sản xuất. Tiêu dùng là mục đích của sản xuất, tạo ra nhu cầu cho sản xuất. Tiêu dùng là một trong những căn cứ quan trọng để xác định khối lượng, cơ cấu, chất lượng, hình thức sản phẩm. Thể hiện theo hai hướng: thúc đẩy mở rộng sản xuất nếu sản phẩm tiêu thụ được và ngược lại, sản xuất suy giảm khi sản phẩm khó tiêu thụ.